Dịch vụ kiểm toán tại Nghệ An  - Kiểm toán hoạt động tại Nghệ An Hà Tĩnh  - Dịch vụ kiểm toán tại Thanh Hóa  - Thẩm định giá tại Nghệ An  - Dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính  - Dịch vụ kiểm toán quyết toán công trình XDCB đã hoàn thành

Phương pháp tiếp cận rủi ro trong kiểm toán báo cáo tài chính

Cung cấp cho kiểm toán viên một cách tiếp cận để thực hiện việc kiểm toán một cách hiệu quả nhất có thể, có lợi cho cả nhóm kiểm toán và cả khách thể kiểm toán. Kiểm toán Thái Dương xin chia sẻ phương pháp tiếp cận rủi ro trong kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) như sau:

 Tham khảo thủ tục==>Dịch vụ thành lập công ty tại Vinh Nghệ An

Các bước vận dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên rủi ro được thực hiện khi kiểm toán BCTC

Phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên rủi ro, đòi hỏi KTV trước hết phải hiểu rõ về doanh nghiệp và môi trường kinh doanh của nó, nhằm mục đích xác định rủi ro có thể dẫn tới sai sót trọng yếu trên BCTC. Sau đó, KTV thực hiện đánh giá rủi ro này ở cấp độ BCTC và cấp độ cơ sở dẫn liệu. Đánh giá này, bao gồm việc cân nhắc các nhân tố như bản chất của rủi ro, các thủ tục KSNB thích hợp và cấp độ cần thiết của bằng chứng kiểm toán.

Kết quả của việc đánh giá này, sẽ phân loại một cách hiệu quả cuộc kiểm toán vào một trong hai loại sau:

  • Rủi ro có sai sót trọng yếu cao, đòi hỏi có những thủ tục kiểm toán đặc biệt
  • Rủi ro có sai sót trọng yếu ở mức độ bình thường, có thể giải quyết bằng chương trình kiểm toán chuẩn.

Sau khi đánh giá rủi ro, KTV sẽ thiết kế các thủ tục kiểm toán thích hợp cho những rủi ro đã được đánh giá, nhằm mục đích thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp để đưa ra kết luận kiểm toán. Việc đánh giá rủi ro được tiếp diễn trong suốt cuộc kiểm toán, kế hoạch kiểm toán và thủ tục kiểm toán có thể được thay đổi trong trường hợp việc đánh giá lại là cần thiết. Các bước thực hiện cụ thể như sau:

Hình minh họa

Hình minh họa

Bước 1: Tìm hiểu về doanh nghiệp và môi trường kinh doanh của khách hàng

Nhằm mục đích xác định rủi ro liên quan đến cuộc kiểm toán BCTC, KTV cần đạt được sự hiểu biết thích hợp về DN và môi trường mà nó hoạt động. Những thông tin nào cần được thu thập sẽ được quyết định bởi xét đoán và kỹ năng chuyên môn của KTV. Bằng kinh nghiệm của mình, KTV sẽ giảm thiểu được các thông tin không cần thiết hoặc quá tải, bằng cách chỉ tiếp nhận các thông tin liên quan trực tiếp đến quá trình kiểm toán BCTC – tiết kiệm được thời gian và nguồn lực. KTV sẽ tìm hiểu về các vấn đề sau:

  • Môi trường kinh doanh chung của DN: ở bước này, KTV sẽ thực hiện các thủ tục kiểm toán như phỏng vấn những người liên quan (Ban giám đốc, KTV tiền nhiệm của khách hàng) quan sát và kiểm tra tài liệu, và thực hiện thủ tục phân tích các thông tin tài chính. Công việc này sẽ giúp KTV xác định được rủi ro tiềm tàng, tiềm ẩn trong DN. Các thông tin cần tìm hiểu về bản chất, lĩnh vực công nghiệp, cơ cấu tổ chức, môi trường pháp lý, đối thủ cạnh tranh, quy chính BCTC chủ yếu và môi trường KSNB.
  • Thứ hai, khuôn khổ kiểm soát nội bộ: Tìm hiểu về khuôn khổ KSNB của khách hàng được coi là vấn đề đối với KTV, đặc biệt là việc xem xét các thủ tục kiểm soát nào được tập trung và loại thông tin nào, bao nhiêu thông tin được thu thập cho các thủ tục kiểm soát. KTV cần tìm hiểu về các thủ tục kiểm soát này (riêng rẽ hay kết hợp) để cân nhắc về khả năng liên quan đến cuộc kiểm toán vì không phải tất cả các thủ tục kiểm soát đều được DN sử dụng để quản lý hoạt động kinh doanh của mình. Khuôn khổ kiểm soát giúp KTV tập trung vào việc tìm hiểu các thủ tục kiểm soát thích hợp, thông qua việc chia KSNB thành 5 bộ phận: Môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro, thủ tục kiểm soát, hệ thống thông tin và giám sát.

Tìm hiểu KSNB theo cách này, giúp KTV xác định được các thủ tục kiểm soát nào (nếu có) cần phải kiểm tra, sự vắng mặt các thủ tục kiểm soát có làm phát sinh rủi ro hay không, khi nào và làm thế nào để kết hợp các thử nghiệm kiểm soát và thử nghiệm cơ bản, làm thế nào để kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát và mức độ tin tưởng của KSNB (từ đó, có thể giảm thiểu phạm vi của thử nghiệm cơ bản). Nói cách khác, việc này sẽ giúp KTV xác định được rủi ro kiểm soát kết hợp với rủi ro tiềm tàng đã xác định ở trên, để quyết định rủi ro phát hiện, để duy trì rủi ro kiểm toán ở mức phù hợp. Từ đó, KTV sẽ quyết định bản chất, phạm vi của các thử nghiệm cơ bản.

Bước 2: Xác định và đánh giá rủi ro dựa trên hiểu biết về môi trường kinh doanh của khách hàng

Mục tiêu của bước này là KTV sẽ đưa ra đánh giá về rủi ro, trên toàn bộ BCTC hoặc rủi ro ở cấp độ cơ sở dẫn liệu. Vấn đề quan trọng mang tính quyết định khi thực hiện bước này, đó là kinh nghiệm và xét đoán chuyên môn của KTV. Không có một hướng dẫn cụ thể nào để đánh giá rủi ro cho mọi loại hình doanh nghiệp, do đó KTV cần có những kỹ năng xét đoán chuyên môn nhất định, để có thể xác định được các loại rủi ro và ảnh hưởng tiềm tàng của chúng đến việc ghi nhận, đo lường, trình bày và công bố BCTC hoặc tính đánh giá, đầy đủ, có thực, chính xác, quyền và nghĩa vụ ở cấp độ cơ sở dẫn liệu.

Rủi ro được phân chia làm 2 loại:

  • Rủi ro ở mức độ bình thường và rủi ro cao hơn bình thường (rủi ro trọng yếu).
  • Rủi ro thông thường là rủi ro có khả năng sẽ xảy ra (cơ hội xảy ra thấp, không chắc chắn có xảy ra hay không), còn rủi ro trọng yếu là rủi ro có thể xảy ra (cơ hội xảy ra cao thậm chí gần như chắc chắn).

Do tính chất của rủi ro trọng yếu, KTV sẽ phải thiết kế các thủ tục kiểm toán đặc biệt để giải quyết các rủi ro này, các thủ tục kiểm toán thông thường trong chương trình kiểm toán chuẩn không phù hợp trong trường hợp này.

Kết quả đánh giá rủi ro sẽ quyết định bản chất, thời gian và phạm vi của các thủ tục kiểm toán, được thiết kế để ứng phó với các rủi ro được xác định tương ứng. Mức độ rủi ro càng cao, tính thuyết phục của bằng chứng kiểm toán đòi hỏi càng cao. Do đó, việc đánh giá rủi ro chính xác có vai trò rất quan trọng, để giúp KTV dành thời gian và công sức cho các rủi ro trọng yếu một cách hiệu quả hơn.

Bước 3: Thiết kế và thực hiện thủ tục kiểm toán cho các rủi ro đã được xác định.

KTV phải thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến các rủi ro xảy ra sai sót trọng yếu đã được đánh giá, thông qua việc thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán thích hợp cho các rủi ro này. KTV cần liên hệ và ghi chép lại mỗi rủi ro đã được xác định ảnh hưởng đến tổng thể BCTC hay cơ sở dẫn liệu nào, và các thủ tục kiểm toán nào được thiết kế để thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp mà căn cứ vào đó KTV đưa ra ý kiến của mình. Thủ tục kiểm toán được thực hiện trong bước này là thử nghiệm cơ bản và thử nghiệm kiểm soát (nếu tin tưởng vào KSNB của DN).

KTV sẽ thiết kế các thủ tục kiểm toán để ứng phó với rủi ro được đánh giá dựa vào các yếu tố sau:

  • Ảnh hưởng của rủi ro đã được xác định lên BCTC (ví dụ như, khả năng số dư của các tài khoản trọng yếu bị khai tăng hoặc khai giảm).
  • Ảnh hưởng của rủi ro được xác định ở cấp độ cơ sở dẫn liệu đối với các nghiệp vụ, số dư tài khoản hoặc trình bày và công bố.
  • Kết quả dự kiến của việc các thử nghiệm có đạt được mục tiêu kiểm toán hay không.

Công việc thiết kế chương trình kiểm toán để ứng phó các rủi ro đã được xác định bao gồm:

  • Đặt ra mục tiêu kiểm toán (cơ sở dẫn liệu nào cần được kiểm tra và lý do).
  • Xác định xem có cần phải sử dụng chuyên gia hay không.
  • Quyết định có sử dụng bằng chứng kiểm toán của cuộc kiểm toán năm trước không (bao gồm cả cách thức có thể cập nhật bằng chứng cho cuộc kiểm toán năm nay)
  • Xác định loại thử nghiệm kiểm toán cho rủi ro bình thường và rủi ro trọng yếu (Ví dụ: Chỉ sử dụng thử nghiệm cơ bản hay kết hợp thử nghiệm cơ bản và thử nghiệm kiểm soát).
  • Quyết định phạm vi tin tưởng của kết quả thử nghiệm
  • Thiết kế các thủ tục kiểm toán bổ sung nếu thử nghiệm phát hiện ra các vấn đề.

Khi thiết kế chương trình kiểm toán cho rủi ro thông thường, cần phải nhớ rằng thử nghiệm kiểm soát chỉ được thực hiện khi KSNB được đánh giá là hữu hiệu hoặc KTV tin rằng, thử nghiệm cơ bản không đủ để cung cấp bằng chứng kiểm toán thích hợp (ví dụ, với các nghiệp vụ tự động hóa cao với rất ít hoặc không có sự can thiệp thủ công). Đối với rủi ro trọng yếu, KTV phải thiết kế thủ tục cơ bản cho các rủi ro này, bao gồm kiểm tra chi tiết và thủ tục phân tích.

Sau khi thiết kế các thử nghiệm kiểm soát và thử nghiệm cơ bản, KTV sẽ thực hiện các thủ tục này để ứng phó với các rủi ro đã được đánh giá. KTV cần đánh giá bằng chứng kiểm toán được thu thập để quyết định xem kết quả đánh giá rủi ro ban đầu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu có còn phù hợp và có một sự đảm bảo hợp lý rằng, các sai phạm trọng yếu sẽ không xảy ra hay không. Bằng chứng phải thuyết phục cho từng cơ sở dẫn liệu trọng yếu trên BCTC, nếu không phải thực hiện thêm các thủ tục kiểm toán để thu thập bằng chứng có tính thuyết phục.

Bước 4: Kết luận về rủi ro có sai sót trọng yếu trên BCTC

KTV sẽ căn cứ vào kết quả thực hiện các thủ tục kiểm toán ở bước trên, để đưa ra kết luận về rủi ro có sai sót trọng yếu trên BCTC. Nếu không thể thu thập được bằng chứng kiểm toán, KTV sẽ đưa ra ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần. Khi thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp, KTV sẽ đưa ra kết luận về toàn bộ rủi ro có sai sót trọng yếu trong tổng thể BCTC.

Mọi vướng mắc về phương pháp tiếp cận rủi ro trong kiểm toán báo cáo tài chính, quý vị hãy liên hệ luật Blue để được tư vấn miễn phí.

Các tin cùng chuyên mục

Bình Luận