Xu hướng toàn cầu hóa đã mở ra những cơ hội và thách thức lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với sự đa dạng của hình thức hoạt động sản xuất kinh doanh, mức độ tăng trưởng ngày càng cao tại mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là quá trình đẩy nhanh việc vốn hóa thị trường vốn của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Hiện nay các nhà đầu tư vốn đang dần tách rời khỏi vai trò quản lý doanh nghiệp vì vậy một hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB) vững mạnh đang là nhu cầu cấp thiết, một công vụ hữu hiệu để xác định sự an toàn của nguồn vốn đầu tư, xác định hiệu quả điều hành và kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Kiểm toán Thái Dương xin chia sẻ vai trò của kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp như sau:
Vai trò của một hệ thống kiểm soát nội bộ vững mạnh
- Đảm bảo tính chính xác của các số liệu kế toán và báo cáo tài chính của công ty;
- Giảm bớt rủi ro gian lận hoặc trộm cắp đối với công ty do bên thứ ba hoặc nhân viên của công ty gây ra;
- Giảm bớt rủi ro sai sót không cố ý của nhân viên mà có thể gây tổn hại cho công ty;
- Giảm bớt rủi ro không tuân thủ chính sách và quy trình kinh doanh của công ty; và
- Ngăn chặn việc tiếp xúc những rủi ro không cần thiết do quản lý rủi ro chưa đầy đủ.
- Thông thường, khi công ty phát triển lên thì lợi ích của một hệ thống kiểm soát nội bộ cũng trở nên to lớn hơn vì người chủ công ty sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giám sát và kiểm soát các rủi ro này nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm giám sát trực tiếp của bản thân.
- Đối với những công ty mà có sự tách biệt lớn giữa người quản lý và cổ đông, một hệ thống kiểm soát nội bộ vững mạnh sẽ góp phần tạo nên sự tin tưởng cao của cổ đông. Xét về điểm này, một hệ thống kiểm soát nội bộ vững mạnh là một nhân tố của một hệ thống quản trị doanh nghiệp vững mạnh, và điều này rất quan trọng đối với công ty có nhà đầu tư bên ngoài. Các nhà đầu tư sẽ thường trả giá cao hơn cho những công ty có rủi ro thấp hơn.
Đối tượng giữ vai trò chính trong việc xây dựng một HTKSNB
Có nhiều nguồn lực hỗ trợ nhân viên quản lý các hệ thống, quy trình KSNB. Các nguồn lực chủ yếu bao gồm HĐQT, Ban giám đốc và Bộ phận kiểm toán nội bộ.
Nhìn chung, trong khi tất cả nhân viên chịu trách nhiệm về chất lượng của HTKSNB, HĐQT chịu trách nhiệm đảm bảo có một HTKSNB tốt, đề ra các chính sách phù hợp nhằm duy trì HTKSNB, thường xuyên đảm bảo HTKSNB vận hành một cách có hiệu quả cũng như đầy đủ trong việc quản trị rủi ro.
Ban giám đốc sẽ chịu trách nhiệm triển khai, thực hiện các chính sách của HĐQT; xác định và đánh giá các rủi ro chủ yếu; thiết kế, vận hành và theo dõi HTKSNB.
Bộ phận kiểm toán nội bộ (nếu hiện diện trong doanh nghiệp) chủ yếu chịu trách nhiệm hỗ trợ Ban giám đốc trong các nhiệm vụ giám sát, điều hành thông qua các cuộc kiểm toán, các ý kiến tư vấn độc lập nhằm đánh giá, phát huy hiệu quả của HTKSNB.
Sau cùng, vì hệ thống kiểm soát nội bộ và công tác quản trị rủi ro là một bộ phận không thể thiếu trong việc quản lý các doanh nghiệp, Ban giám đốc cần được tư vấn tốt để huy động nguồn lực, nhằm xem xét hiện trạng của các quy trình giám sát và HTKSNB tùy theo từng thời điểm. Kết quả của các cuộc kiểm tra này sẽ giúp xác định các biện pháp hoàn thiện liên tục trong thời gian trước mắt và lâu dài.
Những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công các biện pháp kiểm soát nội bộ
Thế nào là một hệ thống kiểm soát nội bộ hữu hiệu?
Một HTKSNB hữu hiệu đưa ra sự đảm bảo hợp lý nhưng không tuyệt đối về việc bảo toàn tài sản, duy trì mức độ tin cậy của các thông tin tài chính và tuân thủ luật lệ, quy định. Sự đảm bảo hợp lý là khái niệm khẳng định rằng, cần phải xây dựng, triển khai thực hiện HTKSNB để đem lại cho Ban giám đốc sự cân bằng giữa rủi ro của một hoạt động kinh doanh nhất định với mức độ kiểm soát cần thiết, sao cho đáp ứng được các mục tiêu kinh doanh đề ra. Tuy vậy, giá của một biện pháp kiểm soát không nên cao hơn lợi ích thu được từ biện pháp đó.
Vì vậy, nội dung chính của một HTKSNB vững chắc phụ thuộc vào việc đánh giá thường xuyên, toàn diện tính chất, mức độ của các rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải.
Một HTKSNB hữu hiệu phải bao hàm 4 đặc điểm chủ yếu:
Căn cứ trên rủi ro: có khả năng nhận diện rủi ro tác động đến mục tiêu kinh doanh.
Được “lồng” vào trong các hoạt động của doanh nghiệp và là một bộ phận văn hóa của doanh nghiệp.
Đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ về việc hình thành một bộ phận Kiểm toán Nội bộ, đem lại cho HĐQT sự đảm bảo độc lập, thường xuyên về HTKSNB.
Được HĐQT thường xuyên kiểm tra. Do chiến lược và mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp thường xuyên biến đổi, cho nên các rủi ro cũng vậy. Điều này nhấn mạnh nhu cầu thường xuyên kiểm tra, tái cân đối các hoạt động kiểm soát về mặt tổ chức, nhằm đảm bảo rằng khung cơ sở HTKSNB đem đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
Nếu quý vị còn vấn đề chưa rõ hãy liên hệ kiểm toán Thái Dương để được tư vấn.